Vườn quốc gia Ba Vì là một địa điểm được nhiều người dân thủ đô biết tới như một lá phổi xanh của thành phố với không khí trong lành ở độ cao hơn 1100m. Không xa Hà Nội, Ba Vì đã trở thành khu du lịch nổi tiếng tại thủ đô và rất phù hợp để mọi người đưa nhau “đi trốn” khỏi nơi trung tâm thành phố ngột ngạt xô bồ.
1. Ba Vì nên đi vào thời điểm nào trong năm?
Vườn quốc gia Ba Vì là một nơi quanh năm mát mẻ, mùa đông sẽ hơi lạnh 1 chút nhưng mùa nào bạn cũng có thể tới Ba Vì du lịch.
Mùa xuân: Tới Ba Vì bạn sẽ được chiêm ngưỡng những loài hoa nở, hoa lan mọc đầy trên các nhánh cây cổ thụ. Ngoài ra bạn cũng có thể thấy được những lớp chồi lá non màu đỏ tía đang đua nhau mọc thay cho lớp lá già cội đã rụng hết.
Mùa hè: Lý do tới đây vào mùa hè chính là đi tránh nóng. Giữa bóng cây rừng cao vút bạn sẽ cảm nhận được không khí mát lạnh trong lành, đắm mình vào màu xanh ngắt của rừng và thiên nhiên mà cái nắng chói chang của hè Hà Nội sẽ không chạm tới được bạn.
Mùa thu: Vào mùa dã quỳ tàm tháng 10, tháng 11, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đồi hoa vàng rực rỡ, hoa mọc hai bên đường đi khiến chúng ta cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của chúng.
Mùa đông: Nếu may mắn, bạn có thể sẽ ngắm được cảnh tuyết rơi trên đền Thượng (một hiện tượng thiên nhiên hiếm lạ ở Việt Nam).
Mỗi mùa vườn quốc gia Ba Vì lại có một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, thời điểm thuận lợi nhất bạn nên đi là từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, lúc này thời tiết Ba Vì rất dễ chịu, không có mây mù, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành yên tĩnh đặc biệt phù hợp với các buổi cắm trại dã ngoại ngoài trời.
2. Cắm trại ở Ba Vì có gì thú vị?
Ở Ba Vì có rất nhiều địa điểm thăm quan, nếu muốn khám phá hết bạn cũng mất ít nhất 2 ngày. Dưới đây sẽ là một vài điểm tham quan bạn nên ghé được sắp xếp theo thứ tự từ cổng vào.
Đền Bà Đá Đen: Đây là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Ba Vì, thờ cúng bà Chúa Thượng Ngàn chính là mẹ Đức Thánh Tản nên cũng gọi là đền thờ Mẹ.
Đền cô Sáu: Nằm ở phía tay phải khi bạn đi từ cổng vào qua đền Bà Đá Đen, cũng là một nơi du lịch tâm linh.
Khu du lịch hồ Tiên Sa: Có một đường nhánh rẽ phải nằm trên trục đường chính dẫn lên đỉnh núi Tản, đây chính là lối để rẽ vào hồ Tiên Sa. Đi chừng 1-2 km bạn sẽ thấy cổng chào Hồ Tiên Sa rất to. Tại đây có rất nhiều hoạt động vui chơi như câu cá ở các nhà nổi trên hồ hay đi thuyền du lịch vòng quanh hồ.
Vườn xương rồng: hay còn gọi là nhà kính xương rồng. Nơi đây sở hữu hơn một nghìn loại xương rồng khác nhau, rất đa dạng và phong phú được trồng thành vườn trong một nhà kính có mái vòm độc đáo. Tuy nhiên, khu vườn không được chăm sóc thường xuyên nên đã bị xuống cấp nhiều, mái vòm kính nhiều ô còn bị gãy hay bể, nhiều giống cây đã khô héo hoặc chết. Nếu bạn tò mò cũng có thể ghé qua, nhưng sẽ mất 10k/người (đã đề cập ở phần chi phí dịch vụ). Nơi đây cũng là background tạo ra hàng trăm bức ảnh sống ảo của các bạn trẻ :D. Lối vào vườn xương rồng cũng là lối vào rừng thông, nhưng đây là rừng thông tư nhân và bạn sẽ phải mất tiền nếu muốn vào cắm trại (20k/người). Cá nhân tôi thấy nó không đẹp bằng rừng thông ở nhà N06.
Nhà N06 Ba Vì Resort: Tọa lạc ngay trên con đường nhựa nhỏ dẫn lên đền Thượng, đây chính là cốt 400m (điểm dừng gửi xe đầu tiên nếu bạn mua vé gửi xe tại đây, đây cũng chính là điểm dừng chân cuối của xe khách trên 30 chỗ vào vườn quốc gia Ba Vì). Resort này nằm tại rừng thông Ba Vì khá đẹp, đây cũng là một chỗ mà nhiều bạn chọn để cắm trại.
Nhà thờ cổ Pháp: hay còn gọi là nhà thờ đổ với dân phượt, đây chính là một điểm hạ trại lý tưởng cho các bạn. Có kiến trúc cổ thời Pháp, nhà thờ nằm im lìm dưới những gốc cây cổ thụ bây giờ chỉ còn là phế tích sau chiến tranh với bốn bức tường và dây leo, rêu xanh cùng cây dại bám bên trên. Để đi tới đây các bạn chạy thẳng dọc con đường nhựa lên đền Thượng sẽ thấy một biển báo Khu trại hè thời Pháp màu vàng bên tay trái, đi qua biển báo đó 1 đoạn nữa các bạn sẽ thấy có lối rẽ nhỏ dốc lên cao bên tay trái, đây chính là đường lên nhà thờ đổ.
3. Địa điểm có thể cắm trại tại Ba Vì
Rừng thông ở Ba Vì resort (nhà N06): Với nền đất thoai thoải dốc, bạn sẽ dễ dàng kiếm được một chỗ rộng rãi để hạ trại giữa những cây thông mọc sát nhau. Chỗ này khá yên tĩnh tuy nhiên có một điểm trừ đó là các bạn không được đốt lửa ở đây. Vì thế nên rừng thông chỉ phù hợp để cắm trại buổi trưa và cũng rất hạn chế về việc lựa chọn đồ ăn cho buổi dã ngoại. Bạn chỉ có thể mang bánh mì, xúc xích, các đồ ăn sẵn theo. Ở rừng thông này bạn muốn cắm trại ở bất cứ chỗ nào cũng được, sẽ không ai thu phí của bạn.
Rừng thông tư nhân ở vườn Xương Rồng đi vào: Không được đẹp bằng rừng thông ở chỗ resort, tuy nhiên bạn có thể cắm trại qua đêm, được đốt lửa. Chi phí vào là 20.000đ/người, có sẵn dịch vụ cho thuê lều bạt và đốt lửa trại.
Hồ Tiên Sa: Nằm ngay đoạn đầu cửa vườn quốc gia Ba Vì sẽ có một đường rẽ vào hồ. Nếu bạn đi thẳng lên đền Thượng thì cũng sẽ thấy mặt hồ lấp ló phía xa. Buổi tối khu du lịch hồ Tiên Sa cũng có chương trình đốt lửa trại nên nếu bạn cắm trại ở chỗ này có thể tham gia vui chơi.
Một số chòi bỏ hoang trên đường: Trên đường đi, bạn sẽ bắt gặp một vài căn chòi bỏ hoang cùng một khoảng rộng bê tông bên cạnh đoạn từ nhà thờ đổ lên đền Thượng, khá phù hợp cho việc hạ trại. Ưu điểm ở chỗ này là nếu bạn dựng lều ở đây và trời mưa trong khi lều của bạn không chống nước được nhiều, bạn có thể chui vô chòi tránh mưa.
Với một số gợi ý trong bài viết trên, hy vọng bạn sẽ có được một kế hoạch cắm trại tại Ba Vì thật hoàn hảo và thú vị. Một lưu ý nhỏ cho bạn là quanh khu vực vườn quốc gia Ba Vì sẽ có những điểm tham quan có tính phí, bạn nên chuẩn bị thêm phần về phần tài chính nếu như muốn tham quan trọn vẹn nơi này nhé.
Ảnh: Hoàng Bắc