Ngọn lửa trại gần như là một biểu tượng của anh em camper chúng ta rồi, nhắc đến cắm trại là ai ai cũng có thể nghĩ tới ngay hình ảnh lửa trại. Mặc dù là một hình ảnh biểu tượng như vậy nhưng anh em có biết lửa trại cũng có rất nhiều loại khác nhau không? Lửa trại có rất nhiều loại khác nhau, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Hãy cùng Go Camping tìm hiểu qua 3 loại lửa trại thông dụng nhất hiện nay nhé.
1. Lửa tạm (Snack fire)
Đôi khi trong một buổi sáng, bạn chỉ cần một đám lửa vừa đủ to để làm nóng một ấm cà phê hoặc là rán một cái trứng cùng với bacon cho bữa sáng. Cũng có thể là bạn chỉ đang muốn dựng trại tạm thời như một điểm dừng chân. Trong những tình huống này, bạn sẽ không muốn một đám lửa quá to vì bạn sẽ phải tốn kha khá thời gian để dọn dẹp khi rời đi. Chính vì thế, dựng lửa tạm trong những trường hợp này là thích hợp và hiệu quả nhất.
Để dựng lửa tạm, bạn phải bắt đầu bằng cách đặt những cành củi nhỏ chụm vào nhau cho đến khi bạn tạo ra dạng của một hình nón nhỏ. Để lại một một khoảng trống nhỏ giữa trung tâm, đặt bùi nhùi, giấy báo, lá khô hay lá thông khô vào đó đều được. Nếu được thực hành thường xuyên, bạn có thể tạo ra một đám lửa nhỏ trong vài giây. Để lửa cháy liên tục, bạn phải thêm những cành củi nhỏ vào đáy đám lửa.
Nếu muốn sử dụng ngọn lửa này để đun nước pha cà phê hoặc nướng một ít thịt lợn muối, hãy chờ cho đến khi hình nón đổ xuống, sau đó đặt chảo rán hoặc bình đun nước ngay ở trung tâm. Tiếp tục thêm những nhánh củi nhỏ vào xung quanh ấm để tăng nhiệt. Những đám lửa nhỏ loại này không giữ cho bạn ấm áp và cháy không đủ lớn để nấu nướng nhiều, nhưng nó phù hợp khi bạn cần gấp hoặc chỉ cần một chút ấm áp, thoải mái trong chuyến đi.
2. Lửa nấu (Cooking fire)
Nếu bạn muốn nấu ăn một cách chỉnh chu trong nhiều ngày tại một địa điểm cắm trại thì bạn nên chọn loại lửa nấu. Nhưng để nấu ăn được với lửa nấu thì lại là một vấn đề mà bạn cần phải lưu ý một tí để tránh bị cháy đen cả chảo lẫn đồ ăn nhé. Dù sao thì nấu ăn với lửa trại thì cũng là một trải nghiệm thú vị mà đúng không?
Bạn nên bắt đầu bằng cách dựng một đám lửa hình nón, lớn hơn một chút so với đám lửa để làm đồ ăn nhẹ. Khi lửa cháy đều, đặt hai khúc gỗ tươi ở hai bên ngọn lửa, sao cho khoảng cách giữa hai đầu của các khúc gỗ là 18cm, hai đầu còn lại là 10cm, để đặt nồi và chảo lên đó. Bạn có thể đặt ấm đun cà phê ở đầu hẹp hơn và ấm lớn hơn ở đầu rộng hơn. Như vậy, bạn có thể nấu được nhiều món ăn cùng lúc. Bạn có thể rải hoặc chụm củi lại để tăng lửa hoặc giảm lửa như một chiếc van.
Nếu bạn muốn làm công phu hơn một chút, bạn có thể dựng một cây gậy trên đám lửa và sau đó bạn có thể treo ấm nước trên đám lửa tầm 5cm để đun sôi.
3. Lửa sưởi (Comfort fire)
Cần gì phải mang theo những chiếc máy sưởi di động khi bạn đã biết dựng lửa sưởi (hay còn gọi là lửa phản nhiệt) chứ! Một đám lửa hình nón thì không thể nào giúp bạn giữ ấm cơ thể trong những đêm lạnh giá, vì lượng nhiệt sẽ tỏa đều khắp mọi hướng. Một đám lửa sưởi giải quyết vấn đề đó bằng cách dựa theo cách hoạt động của lò sưởi. Lò sưởi có một tấm nền phản nhiệt trở lại hướng về phía ngôi nhà. Loại lửa sưởi này cũng được làm y hệt như vậy. Bạn có thể dùng bất kỳ ngọn lửa trại nào để tạo ra một đám lửa sưởi. Chúng ta sẽ chỉ cần đặt một tấm nền phía sau đám lửa để phản nhiệt lại.
Cố gắng tìm một tấm nền phản nhiệt tự nhiên để dựng lửa ở phía trước. Một vách đá, một tảng đá lớn hay bờ đất cũng sẽ hiệu quả. Nếu không, tự dựng tấm nền phản nhiệt bằng bằng cách cắm hai cây cọc thật chắc chắn xuống nền đất ở một góc trước đám lửa. Trước hai cây cọc này, xếp thành các khúc gỗ thành chồng từ khúc lớn nhất tới khúc nhỏ nhất để tạo nên một hàng gỗ chắn, có chức năng phản nhiệt. Lưu ý là bạn chỉ nên dùng gỗ tươi để chúng không bốc cháy nhé.
Như vậy là bạn biết sơ sơ về 3 loại lửa trại thông dụng nhất hiện nay rồi! Để những chuyến cắm trại trở nên hoàn hảo hơn cũng như bản thân trở nên “cool” hơn trong mắt người khác thì bạn có thể thực hành dựng lửa trại tại nhà và hãy nhớ tuân thủ nguyên tắc “Không để lại dấu” khi sử dụng lửa trại nhé. Chúc bạn có những chuyến đi cắm trại cuối tuần thật sảng khoái và lành mạnh.