Trên các thiết bị hay dụng cụ cắm trại ngày nay đa phần đều có khả năng chống nước, ngay cả những đồ điện tử như đèn, sạc dự phòng,… đều có khả năng chống nước để người dùng có thể cảm thấy an tâm và ít lo lắng hơn khi sử dụng chúng ngoài trời. Chính vì thế hãy cùng Go Camping tìm hiểu rõ hơn về 2 chỉ số chống nước thường thấy trên các thiết bị dụng cụ cắm trại nhé.
1. Phân biệt Waterhead Rating và IP Rating
1.1 Chỉ số chống nước của vải – Waterhead Rating
Waterhead Rating – Chỉ số chống nước của vải hay của lớp phủ chống nước của vải (chủ yếu là lớp phủ PU – Polyurethane), thường thấy trên các loại vải và trang phục, được thử nghiệm, so sánh dựa trên một phép đo có tên gọi “Cột áp thủy tĩnh” (Hydrostatic Head – viết tắt là HH). Bạn có thể hiểu đơn giản, số đo độ cao của “cột áp thủy tĩnh” này (theo đơn vị milimet) sẽ biểu thị lượng nước mà vải có thể chống chịu được trước khi để nước thấm qua.
Thông thường chỉ số chống nước trên trang phục thường lớn hơn, bởi trang phục sẽ luôn cọ xát trên cơ thể, tiếp xúc với balo hay các bề mặt rắn khác, bởi vậy chỉ số chống thấm phải cao hơn các vật dụng ngoài trời khác…
1.2 Chỉ số bảo vệ chống xâm nhập – IP Rating
Phần lớn các trang thiết bị điện, điện tử sử dụng chỉ số IP để đánh giá mức độ chống nước. Thang đo chống nước của chỉ số này chạy từ 1 đến 8. Chỉ số IP bao gồm 2 chữ số, chữ số thứ nhất biểu thị chỉ số mức độ chống xâm nhập chất rắn. Chữ số thứ 2 biểu thị chỉ số mức độ chống xâm nhập chất lỏng. Khi một chỉ số không được xác định sẽ được kí hiệu là X. Ví dụ như IPXX, IPX7, IP6X.
2. Cột áp thủy tĩnh được đo như thế nào?
Để đo cột áp thủy tĩnh, nhà sản xuất sẽ dùng một ống trong suốt đặt thẳng đứng trên tấm vải. Sau đó từ từ đổ nước vào ống và quan sát xem cột nước có thể cao đến mức nào, trước khi nước bắt đầu thấm qua.
Ví dụ: một sản phẩm có chất liệu vải với chỉ số 3000mm nghĩa là bề mặt vải có thể chịu được áp lực từ một cột nước cao tới 3 mét, trước khi nước bắt đầu thấm qua.
Trong thực tế, dưới tác động của gió và trọng lực hắt nước mưa vào bề mặt vải, để chống lại mưa nhỏ, bạn sẽ cần vải có chỉ số chống nước khoảng 1000 mm. Mưa nặng hạt kèm gió sẽ tạo nhiều áp lực hơn lên vải, và yêu cầu chỉ số chống nước cao hơn khoảng 2000mm.
Với bất kể chỉ số nào cao hơn 2000mm (một số vải chuyên dụng có chỉ số chống nước lên đến 10,000mm), có thể “tồn tại” ngay cả dưới áp lực nước đẩy do tác động vật lý, ví dụ như từ con người hay sự tác động của các yếu tố bên ngoài.
Chỉ số chống nước của vải chỉ là một yếu tố để cân nhắc việc sử dụng sản phẩm sao cho phù hợp khi đi cắm trại hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Một sản phẩm vải được đánh giá là tốt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độ hoàn thiện sản phẩm, độ bền,…