Nếu biết cách chăm sóc lều và thực hiện thường xuyên sẽ giúp chiếc lều của bạn có thể sử dụng nhiều năm liền. Bên cạnh việc chọn những chiếc lều được làm từ vật liệu tốt, gia công tỉ mỉ, chắc chắn,… thì việc biết cách chăm sóc lều sẽ mang lại cho bạn sự thoải mái nữa đó. Hãy cùng Go Camping tìm hiểu về cách chăm sóc lều nhé.
1. Giai đoạn dựng lều
Ngay từ bước dựng lều thì bạn cũng cần phải chú ý một vài điểm để chiếc lều của bạn có tuổi thọ cao hơn. Khi dựng lều bạn nên chú ý:
Khu vực dựng lều và cắm trại: Bạn nên lựa chọn những khu vực đất trống và ít cỏ cây. Những khu vực có cỏ cây rậm rạp có thể sẽ che mất những mảnh kính hay những hòn đá có thể làm rách chiếc lều của bạn. Chính vì thế, bạn nên chọn những khu vực trống trải, ít cỏ và phải dọn dẹp cẩn thận xung quanh trước khi dựng lều.
Sử dụng tấm trải lều cách nhiệt: Tấm trải lều cách nhiệt là một trong những sản phẩm cực kỳ hữu ích. Sản phẩm này sẽ giúp mặt sàn của lều không chạm và ma sát với mặt đất, điều này sẽ hạn chế được sự hư hao của lều hơn rất nhiều. Một điều mà phải lưu ý là bạn phải điều chỉnh và gấp gọn tấm thảm trải để kích cỡ của chúng không vượt quá mặt sàn của lều.
Tránh để lều thiết lập với ánh nắng trực tiếp trong thời gian dài: Mặc dù một số thiết kế và chất liệu vải có thể chống chọi được tia UV. Dù ít dù nhiều thì tia UV cũng có thể khiến có chiếc lều của bạn bị xuống cấp theo thời gian. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chọn khu vực dưới tán cây hay bóng mát để cản trở phần nào ánh nắng mặt trời.
Hãy thật nhẹ nhàng khi luồn bộ khung lều vào trong vải lều: Đã có rất nhiều người vì không cẩn thận đã làm bung đường chỉ may của lều khi đang đưa bộ khung vào trong các rãnh để dựng lều. Vì thế bạn hãy cẩn thận, đừng vội vàng khi dựng lều nhé.
2. Trong quá trình sử dụng
Ngay cả lúc sử dụng, bạn cũng nên chú ý thêm một vài điểm để giúp cho chiếc lều của mình bền hơn. Bạn cần phải chú ý những điều sau:
Hãy thật nhẹ nhàng với dây kéo của lều và đừng để dây kéo của bạn bị kẹt. Khi bị kẹt thì bạn nên giữ rãnh khóa kéo bằng một tay và nhẹ nhàng đẩy khóa zip trượt lên, vặn nó từ bên này sang bên kia cho đến khi vải hết bị kẹt. Nếu khóa kéo bị tách nhau ra, nhẹ nhàng kéo ngược lại rồi thực hiện thêm lần nữa để sửa lại.
Để giày bên ngoài hoặc trong phần mái hiên: Bụi bẩn, sạn và sỏi đá bám ở giày có thể khiến lều bị bẩn hoặc rách, vì thế bạn không nên để giày bên trong lều, trừ trường hợp chúng đã được bọc cẩn thận trong một chiếc túi.
Không nên để thú cưng trong lều khi chúng không có người giám sát: Những chiếc móng vuốt hay răng nhọn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến vật liệu của lều.
3. Giai đoạn sau khi sử dụng
Sau khi sử dụng, bạn nên thực hiện thêm một vài bước để chiếc lều của mình bền hơn:
Dọn sạch lều trước khi gấp: Trước xếp chiếc lều của bạn lại thì bạn nên giũ sạch bụi bẩn, mảnh vụn, sỏi đá có trên lều và loại bỏ rác của mình để tránh làm rách lều.
Hãy nhẹ nhàng với bộ khung (cực): Dù là khung có thể gấp gọn hay không thể gấp gọn thì bạn cũng nên nhẹ tay để tránh những phần sắt nhọn của chúng có thể làm rách lều của bạn.
Làm khô trước khi gấp gọn: Ngay cả một chiếc lều thông gió tốt cũng có thể tích tụ hơi ẩm, thường là dưới sàn của lều hoặc trên các mái vòm. Độ ẩm còn lại trên lều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của vải lều khi để trong thời gian dài, chúng cũng có thể là nơi khiến vi khuẩn và nấm mốc xâm nhập nếu như ẩm. Vì vậy hãy làm khô lều càng nhiều càng tốt trước khi xếp gọn và cất chúng. Bạn cũng có thể treo lều của mình ra ngoài trước gió để chúng được khô thoáng hơn (miễn là đảm bảo chúng không bị làm rách).
Trong trường hợp bạn buộc phải xếp và cất lều khi lều vẫn bị ướt thì bạn có thể gấp gọn chúng lại như bình thường và thực hiện thao tác làm khô ngay khi có thể.
Cuộn lều: Đây là phương pháp giúp giảm tối đa các nếp gấp khi dựng lều, hạ lều rồi gấp gọn. Những nếp gấp này có thể ảnh hưởng đến chất liệu vải, việc nếp gấp lặp lại tại cùng một vị trí nhiều lần sẽ khiến cho chiếc lều của bạn có những khe hở nhỏ và đó sẽ là nơi mà nước mưa xâm nhập vào.
4. Chăm sóc lều trại chống nước tại nhà
Kết thúc chuyến đi, bạn cũng cần phải bảo quản chiếc lều của mình thật tốt để bạn vẫn có thể cảm thấy thoải mái trong những lần sử dụng sau.
Hãy chắc chắn rằng lều của bạn đã khô trước khi cất chúng: Không có quy tắc chăm sóc lều nào quan trọng hơn điều này. Vải ẩm phát triển nấm mốc, khiến cho lều có mùi khó chịu và làm ảnh hưởng đến lớp phủ PU. Theo thời gian, độ ẩm cũng bắt đầu phá vỡ lớp phủ hóa học chống nước bên ngoài.
Bảo quản lều ở nơi khô mát: Các loại lều hiện nay đều khá nhỏ gọn, có thể đựng được trong một chiếc balo và cất vào trong tủ. Một số loại sẽ có kèm theo túi đựng khiến chúng càng trở nên gọn gàng và tiện lợi hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp túi đựng bị mất hoặc rách, bạn có thể sử dụng túi lưới để thay thế.
Tránh cất lều ở những nơi ẩm ướt hoặc nóng ẩm như tầng hầm, gác mái hoặc cốp xe.
Trên đây là một vài lưu ý để bạn có thể bảo quản những chiếc lều của mình được tốt hơn trước, trong và sau khi sử dụng. Hi vọng những lưu ý này sẽ giúp cho bạn bảo quản lều và sử dụng chúng được lâu hơn và bền hơn.